Trận chiến cuối cùng Sư_đoàn_23_Bộ_binh_Quân_lực_Việt_Nam_Cộng_hòa

Đầu năm 1975, tình hình miền Nam có nhiều biến chuyển. Mỹ một khi rút quân theo Hiệp định Paris thì khó tham chiến trở lại. Xã hội Mỹ đã mệt mỏi vì cuộc chiến, Nixon vì vụ Watergate phải ra đi, Quốc hội Mỹ hạn chế quyền của Tổng thống, giảm viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa, khiến Sài Gòn bị hẫng bởi cảm giác cô hành, đối phó khó khăn chính trị, kinh tế, quân sự chồng chất. Cuối năm 1974, với việc Sư đoàn 304 Quân đội Nhân dân đánh bại Lữ đoàn 1 Dù và Sư đoàn 3 Bộ binh Việt Nam Cộng hòa tại Thượng Đức, Bộ Chính trị Đảng Lao động nhận định rằng lực lượng chủ lực của họ đã mạnh hơn đối phương. Để củng cố niềm tin, Quân đội Nhân dân đã cho Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9 đánh tỉnh Phước Long, một tỉnh sát Sài Gòn. Đây là lần đầu tiên Sài Gòn bị mất nguyên một tỉnh và sau những nỗ lực tối đa vẫn không thể chiếm lại. Mỹ đã phản ứng trên đài báo nhưng chỉ vậy không hơn. Đây là đòn thăm dò tuyệt hảo của Hà Nội. Kết quả cho thấy người Mỹ đã thật sự từ bỏ cuộc chiến tại Việt Nam. Từ đây Bộ Chính trị Đảng Lao động đã hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền nam VN trong 2 năm 1975-1976. Thực hiện ý chí của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu đã lập kế hoạch đánh đòn "điểm huyệt" vào hệ thống phòng ngự của Việt Nam Cộng hòa. Mục tiêu của đòn "điểm huyệt" phải hội tụ các điểm: vị trí trọng yếu, lực lượng yếu, dễ đánh lớn, dễ phát triển chiến lược. Buôn Ma Thuột, Thủ phủ Tây Nguyên, nơi có Sở chỉ huy Sư đoàn 23 chỉ có Trung đoàn 53 và 1 Liên đoàn Biệt Động quân giữ chính là mục tiêu hội tụ tất cả các điểm này. Đầu năm 1975, Hà Nội bí mật cử Đại tướng Văn Tiến Dũng vào Tây Nguyên. Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên được thành lập, Hoàng Minh Thảo[17], một chỉ huy hiểu Tây nguyên và có kinh nghiệm về Sư đoàn 23, được bổ nhiệm làm Tư lệnh. Trong khi Hà Nội và Mặt trận giải phóng hướng về Buôn Ma Thuột chờ tiếng vọng của đòn "sấm sét" thì tất cả chú ý của Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu, CIA, Tình báo Quân lực Việt Nam Cộng hòa và Phạm Văn Phú, Tư lệnh Vùng 2 chỉ là dõi theo sự di chuyển của 2 Sư đoàn 10 và 320A đang ở gần Pleiku, bắc Tây nguyên và phỏng đoán về một trận đánh lớn ở bất cứ nơi nào 2 Sư đoàn này tập hợp. Cùng với việc Sư đoàn 3 Sao Vàng và Trung đoàn 95A tấn công chia cắt nhiều đoạn con đường số 21 nối Tây Nguyên và Đồng bằng Duyên hải, một kế hoạch nghi binh đã được Quân đội Nhân dân triển khai nhằm giam chân chủ lực Quân đoàn II Việt Nam Cộng hòa tại bắc Tây nguyên. Bị lừa bởi đòn nghi binh này, Dinh Độc lập, Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Cộng hòa, Tình báo Quân đội, CIA tại Sài Gòn và Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Vùng 2 bỏ ngoài tai thông tin về một ý đồ tấn công Buôn Mê Thuột do một người lính Sư đoàn 320A đảo ngũ khai. Hai phần ba Sư đoàn 23 gồm Trung đoàn 44, 45 và 6 Liên đoàn Biệt Động quân đã tập hợp tại Pleiku và Kontum, giữ chắc bắc Tây nguyên nhằm ngăn ngừa khả năng tấn công của hai Sư đoàn 10 và 320A, không ngờ rằng 2 Sư đoàn này chỉ để lại hệ thống điện đài của họ cho Sư đoàn 968 sử dụng phát đi những bức điện giả vờ như họ vẫn ở nguyên vị trí, còn toàn bộ lực lượng chiến đấu đã bí mật di chuyển xuống phía nam Tây nguyên, tạo thành gọng kìm bao vây Buôn Ma Thuột, nơi chỉ có 1/3 Sư đoàn 23 là Trung đoàn 53 và 1 Liên đoàn Biệt Động quân đóng giữ. Sư đoàn 320A đã chiếm đường 14 ngăn cản Trung đoàn 44, 45 từ Pleiku hành quân đường bộ ứng cứu Ban Mê Thuột. Sư đoàn 10 đánh chiếm Đức Lập rồi tập hợp ở đông nam Ban Mê Thuột đón đánh Trung đoàn 44, 45 đổ bộ đường không để tái chiếm Ban Mê Thuột. Cũng cần biết thêm là trong khi Sư đoàn 10 và 320A âm thầm di chuyển xuống phía nam Tây nguyên, Sư đoàn 316, một đơn vị chiến đấu sừng sỏ của Bắc Việt, đơn vị đã đánh chiếm Đồi A1 tại Điện Biên Phủ và có Trung đoàn 174 đã nghiền nát 2/3 Lữ đoàn 173 Dù Mỹ tại Dakto, đã hành quân từ Quân khu IV miền bắc, qua Lào, bí mật xâm nhập Tây Nguyên và hòa vào đội hình hành quân của Sư đoàn 320A, dùng Sư đoàn 320A làm tấm bình phong che giấu sự hiện diện của mình trước khi tách ra vào vị trí chiến đấu sát Buôn Ma Thuột. Sau khi hoạt động nghi binh và chia cắt các con lộ nối Buôn Ma Thuột với bắc Tây nguyên và đồng bằng đã xong, 2h30 sáng ngày 10/3/1975, Sư đoàn 316 đã cùng Trung đoàn 95B (Sư đoàn 325) và Trung đoàn đặc công 198 bất ngờ đánh Buôn Ma Thuột. Cuộc tấn công được yểm trợ bởi các cỡ pháo và xe tăng T54. Lực lượng Bộ binh của hai bên tại Buôn Ma Thuột vào thời điểm quyết chiến chênh lệch 5/1. Do đó, đến 11h30 trưa ngày 11/3/1975, Buôn Ma Thuột thất thủ, lực lượng còn lại của Trung đoàn 53, thuộc Sư đoàn 23 phải vừa đánh vừa rút ra sở chỉ huy cạnh sân bay Hòa Bình. Đến ngày 14 tháng 3 năm 1975, Trung đoàn 53 và Liên đoàn Biệt Động quân duy nhất giữ Buôn Ma Thuột đã bị Trung đoàn 198 Đặc công của Quân đội Nhân dân tiêu diệt hoàn toàn. Sau khi nghe Buôn Ma Thuột có biến, bị bất ngờ bởi quy mô của trận đánh, hoảng hốt trước tin Sư đoàn 316 vào Tây nguyên, Thiếu tướng Phạm Văn Phú lập tức ra lệnh ném bom phá cầu đường hạn chế tốc độ tiến quân của Sư đoàn 316 và gọi điện thoại về Sài Gòn báo cáo. Tướng Phú đến lúc đó vẫn chưa biết Sư đoàn 316 đã chiến đấu trong lòng thị xã được 10 tiếng đồng hồ. Tướng Phú đã nhận lệnh trực tiếp từ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và ra lệnh sử dụng tất cả máy bay lên thẳng sẵn có chuyển 2 Trung đoàn còn lại của Sư đoàn 23 là Trung đoàn 44, 45 cùng 1 Liên đoàn Biệt Động quân đổ xuống khu vực Nông Trại và Phước An ở phía nam Tây nguyên. Các lực lượng này có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng còn lại tại chỗ để chiếm lại Buôn Ma Thuột. Trung đoàn 44, 45 - Sư đoàn 23 và Liên đoàn 21 Biệt Động quân vừa tiếp đất, chưa kịp đứng vững thì đã rơi vào trận địa của 2 Trung đoàn 24 và 28 - Sư đoàn 10. Không có xe tăng, thiết giáp, công sự che chắn, chỉ có pháo 105 mm được máy bay trực thăng tải đến và Sư đoàn 6 Không quân yểm trợ hạn chế, 2 Trung đoàn 44, 45 - Sư đoàn 23 và Liên đoàn 21 Biệt Động quân gần như phơi mình giữa cánh đồng dưới làn đạn pháo và hỏa lực tăng, thiết giáp cũng như sức tấn công mãnh liệt của 2 Trung đoàn 24, 28 - Sư đoàn 10. Trong 2 ngày, 2 Trung đoàn 44, 45 - Sư đoàn 23 gần như bị tiêu diệt. 700 tàn quân của 2 Trung đoàn và Liên đoàn 21 Biệt Động quân đã cố chạy về hướng Chư Cúc nhưng bị Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10) truy kích chỉ còn 37 lính bộ và 35 lính Biệt Động sống sót. Việc toàn bộ Sư đoàn 23 gồm cả ba Trung đoàn 53, 44, 45 và 1 Liên đoàn Biệt Động quân bị tiêu diệt đã khiến Sài Gòn và toàn hộ hệ thống phòng thủ rúng động. Lực lượng mạnh nhất của họ trên cao nguyên bị xóa sổ, một vùng Cao nguyên Chiến lược bị mất. Sài Gòn choáng váng, Chính quyền và Quân đội hoảng hốt. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không thể trấn tĩnh đưa ra mệnh lệnh sáng suốt. Lệnh buộc Phạm Văn Phú triệt thoái Tây Nguyên càng khiến sự hoảng loạn sâu sắc hơn. 5 Liên đoàn Biệt Động quân vội vàng rút khỏi Pleiku qua mũi một sư đoàn thép của đối phương náu trên đường 14. Sư đoàn 320A đã tung toàn bộ lực lượng, băng rừng vượt suối, truy kích, cường tập 5 liên đoàn Biệt Động quân trên con lộ 7 suốt ngày đêm. Chỉ 1 Liên đoàn Biệt động quân đi lọt cuộc truy đuổi này. Các lực lượng của Việt Nam Cộng hòa tại 3 Quân khu I, II, III từ nay đều có thể trở thành mục tiêu bị tấn công từ hướng Tây Nguyên. Trước thế trận phòng thủ đã bị vỡ một mảng, chính quyền Sài Gòn liên tiếp đưa ra những quyết định mang về sự hoảng loạn ngày càng sâu rộng, làm xấu thêm tình hình và cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ chính quyền Việt Nam Cộng hòa.